Lạm dụng mạng xã hội khiến thanh thiếu niên Việt Nam rối loạn giấc ngủ, bị cô lập
Thống kê có khoảng 81% học sinh cho rằng, sử dụng mạng xã hội giúp kết nối nhanh với bạn bè, thế giới xung quanh. Tuy nhiên, khi lạm dụng, thanh thiếu niên có thể gặp các tình trạng rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, bị cô lập xã hội, bị bắt nạt qua mạng và làm gia tăng tỉ lệ tội phạm…
Ngày 4/10 tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10/2024), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) phối hợp với Viện Sáng kiến Z&Alpha tổ chức hội thảo “Mạng xã hội và tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam”.
Hội thảo “Mạng xã hội và sức khoẻ tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ, đưa ra các khuyến nghị và hành động cụ thể để bảo vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội. Hiện có hơn 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,3% dân số; trong số đó, có 7,1% thuộc độ tuổi từ 13-17 và 9,7% độ tuổi từ 18-24. Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Còn theo theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ/ngày.
PGS.TS. Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng cho biết: “Hội thảo là bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam, từ đó xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe trong kỷ nguyên số”.
Các diễn giả tham luận tại hội thảo có chung khẳng định, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên. Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Viện Sáng kiến Z&Alpha nhấn mạnh: “Mạng xã hội đã sử dụng các thuật toán khác nhau dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ, nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, liên tục lôi cuốn người dùng mạng xã hội, tạo ra các chu kỳ tương tác gây nghiện. Đặc biệt cần lưu ý, các tính năng này được thiết kế hướng tới người sử dụng là thanh thiếu niên và không được công bố công khai cho người sử dụng được biết”.
Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng chia sẻ: “Lợi ích mang lại từ mạng xã hội là sự tăng cường kết nối xã hội, cơ hội thể hiện bản thân và tiếp cận thông tin trong học tập và cuộc sống. Khoảng 81% học sinh báo cáo rằng, mạng xã hội giúp kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh. Tuy nhiên, khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể chịu áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại, tiềm ẩn rủi ro dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác”.
Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Viện Sáng kiến Z&Alpha chia sẻ tại hội thảo.
Theo bà Nguyễn Phương Liên, giảng viên Đại học Hà Nội, nghiên cứu trên 286 phụ nữ trẻ Việt Nam từ 10-35 tuổi cho thấy, những người có mức độ chỉnh sửa hình ảnh cá nhân cao thường kém tự tin về hình ảnh cơ thể và muốn thay đổi những khuyết điểm đó bằng cách tập luyện thể chất, ăn kiêng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này chứng tỏ rằng mạng xã hội không chỉ là thế giới ảo, mà có thể là tiền đề của những thay đổi trong thế giới thực”.
Các diễn giả và các nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin, mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Người dùng mạng xã hội được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội chính là chìa khóa đề tận dụng triệt để những lợi ích thiết thực.
@Tiêu dùng TUD Việt Nam
@HTX Ea Rốk